Mỗi năm, thời điểm từ khoảng 5 tháng 5 âm lịch, vùng sông nước miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vào mùa nấm mối.
“Mưa dầm nấm mối mọc chưa
Cho nồi canh ngót chiều thưa ngọt lòng
Ngày mai chị có theo chồng
Hương quê vị đất trong lòng chị mang.”
Thứ nấm trời cho này nếu ai đã từng thưởng thức chắc khó quên được hương vị độc đáo của nó.
Khi xuất hiện những đám mưa nặng hạt kéo dài vài ngày thì trời chớm nắng, cũng là lúc nấm mối bắt đầu mọc. Mùa nấm mối kéo dài từ khoảng đầu tháng 5 đến nửa tháng 6 âm lịch hàng năm, rộ nhất là vào đầu tháng 6, có nơi kéo dài đến tháng 7. Đây là loại nấm tự nhiên con người không thể trồng được, thường xuất hiện gần những tổ mối đất trong vườn, loại mối này làm tổ nơi đất cao ráo, có nhiều cây mục, khi trời mua dầm kéo dài nhiều ngày, loại mối này tiết ra một chất men xung quanh tổ đến khi trời nắng thì nấm từ những nơi này sẽ mọc lên thành từng đám có khi kéo dài vài mét.
Biết được đặc điểm này người dân săn nấm mối phải dậy từ lúc trời còn khuya xách đèn đi dò tìm khắp nơi trong vườn. Có điều nấm mối thường mọc lại hay mọc xung quanh nơi mà năm trước đã có nên dễ tìm. Nấm mối ngày đầu mọc chỉ nhỏ bằng hạt tiêu, đầu nhọn vừa nhú trên mặt đất. Người dân gọi đó là nấm nứt đất, nấm cỡ này chưa thể nhổ, không tới 2 ngày nấm đã nhô khỏi mặt đất, cao khoảng 3-4cm nhưng nấm chưa nhở, đến hết ngày thứ 2 nấm mới bắt đầu nở. Đây là lúc thu hoạch tốt nhất và dùng làm thức ăn ngon nhất. Nhổ nấm cũng phải biết kỹ thuật, nếu nấm mọc chỗ đất cứng thì phải lay nhẹ từ từ hoặc dùng cành cây cạy đất nhổ hết phần gốc nằm sâu trong đất. Điều đáng chú ý là không được dùng dao, vì theo bà con có hơi dao hay hơi của kim loại sẽ làm mối bỏ đi, năm sau nấm sẽ không bao giờ mọc chỗ đó nữa.
Đi săn nấm hái nấm có nhiều chuyện li kỳ, có người kể rằng ai không có duyên không thể nào tìm được nấm mối, nếu có đi ngang chỉ có thể dẫm lên mà thôi. Còn người có duyên có thể tìm được rất nhiều, hoặc những người nào mà không ăn được nấm mối có thể đánh hơi được mùi nơi nấm mối mọc.
Tai nấm có màu nâu sậm, nhưng cũng có loại trắng tinh, dân gian gọi là nấm nếp, chỉ khác màu thôi chứ chúng đều ngon cả. Nấm nhổ lên cạo rửa sạch đất, lớn thì chẻ làm đôi, nhỏ thì để nguyên tai, ngâm trong nước muỗi pha loãng một lúc rồi rửa lại cho sạch. Sau đó tùy ý thích mà chế biến.
Thực đơn cũng rất phong phú có đến hàng chục món, khi chế biến không nên nêm nhiều gia vị để giữ hương vị thơm ngon nguyên thủy của nấm, nấm mối được chế biến thành nhiều món như nấm mối hầm thịt gà, nấm mối hầm đuôi heo, nấm mối xào lá cách, nấm mối kho tiêu hoặc xào sả ớt… hay nấm mối làm nhân bánh xèo. Nấm mối xào lá cách sẽ cho hương vị khác, gắp mấy tai nấm chín tới cho vào miệng cảm giác giòn, xốp, mịn như tơ, càng nhai càng thấy vị ngọt quyến rũ các chân răng. Gắp đũa lá cách nghe vị đắng thanh tan loãng khắp mặt lưỡi, bắt ngay. Gắp cả nấm và lá cách chấm nước mắm dầm ớt hiểm xanh, nhai và nghe vị đắng của lá cách hòa trong vị ngọt của nấm và vị cay giòn thơm của ớt hiểm chưa trôi xuống dạ dày đã nghe bao nhiêu hương vị của đất trời.
Những người sành thưởng thức nấm mối thì trên đời chỉ có tai búp nấm mối mới là thứ ngon nhất hạng. Người ta nói nấm mối nấu canh thịt gà là ngon lắm, không ngon sao được khi nấm mối vốn đã ngọt, ngon cộng với thịt gà thì không món nào sánh bằng. Nhưng có người thì lại nói ăn như vậy là phí phạm, ai lại nấu thịt. Bởi nấm mối còn ngon hơn cả thịt, chỉ cần một mình nấm mối cũng dư sức khiến món ăn bãng lãng thần hồn. Nấm mối khi nấu cháo đậu xanh thì thôi món cháo gà không thể ngon hơn được, cháo nấm mối được nấu với tỷ lệ 3 phần gạo, 1 phần nếp thêm một chút đậu xanh cà vỏ, trộn chung gạo, đậu rang sơ cho hơi vàng sau đó cho nước nấu cháo nấu trên lửa lớn tới khi sôi thì bớt lửa. Nấu cháo tới khi hạt gạo nở vừa, cho nấm đã xào rồi nêm chút gia vị vào, nấu thêm 5 phút, sau cùng nêm lại nồi cháo lần cuối. Cháo nấm mối được múc ra thêm hành ngò xắt nhỏ, có thể thêm chút tiêu cho thơm cay nồng, tô cháo nóng múc ra bốc hơi nghi ngút, tỏa mùi thơm ngọt ngà, dù không cần thêm nước xương, bột ngọt hay đường mà ngọt thanh đến lạ lùng.
Cháo nấm mối còn có giá trị dinh dưỡng cao, giúp thanh nhiệt, nhuận trường rất hiệu quả. Theo các bà nội trợ miệt vườn, nấm mối chế biến món ăn nào cũng ngon.
Thêm một món ăn tuyệt vời đó là món nấm mối cuốn lá lốt nướng. Ướp gia vị vào nấm cho vừa khẩu vị rồi cuốn bên ngoài bằng lá lốt, lửa hồng đã chuẩn bị cho từng cuốn vào gắp tre hoặc đặt lên vĩ nướng với ngọn lửa liu riu. Khi nướng đảo đều cho 2 mặt cháy đều nhau và mùi thơm sực nức bốc mùi lên thì nấm chín. Chờ nguội cho ra dĩa, thêm một dĩa muối hột rang giã nhỏ rồi thêm vài trái ớt hiểm xanh là ăn quên thôi. Gắp miếng nấm mối nhai chầm chậm để vừa cảm nhận được cái giòn sần sật và vị ngọt thanh đậm đà của nấm tiết ra đầu lưỡi, rất đặc trưng không lẫn vào đâu được, mới thấy nấm mối đúng là hoa hậu miệt vườn hiếm không có đối thủ.
MĂNG CỤT LÁI THIÊU | 1 Kg
BÒ MỘT NẮNG KRONGPA | 500g
MẮM CÁY HỒNG TIẾN THÁI BÌNH | 750ml
TƯƠNG ỚT MƯỜNG KHƯƠNG | 250ml
KHÔ BÒ MIẾNG CAO CẤP | 500g
NƯỚC MẮM RƯƠI TRÀ VINH | 500ml
THỊT TRÂU GÁC BẾP | 500g
CHẨM CHÉO KHÔ TÂY BẮC | 120g