fbpx

Thịt trâu sấy Tây Bắc – món ngon ngày Tết vùng cao

thịt trâu sấy

Thịt trâu sấy khô là cách thức bảo quản thực phẩm trong thời gian dài mà vẫn thơm ngon, đủ chất dinh dưỡng và lại trở nên hấp dẫn có tiếng

“Trước kia, sản vật vùng núi cao Tây Bắc nhiều vô kể, sau khi săn bắt hái lượm về, người dân địa phương phải tìm cách thức bảo quản thực phẩm trong thời gian dài mà vẫn thơm ngon, đủ chất dinh dưỡng. Sấy khô, treo gác bếp chính là cách dự trữ thức ăn phổ biến để dùng quanh năm của đồng bào miền núi hàng trăm năm nay.

Thịt trâu khô là một trong những cách dự trữ ấy nhưng hương vị đặc biệt lại khiến nó trở nên hấp dẫn có tiếng”, ông Hoàng Công Đơn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai – địa danh vừa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Thịt trâu sấy Bảo Yên” chia sẻ về nguồn gốc món ăn thịt trâu sấy nức tiếng, ẩm thực độc đáo trong ngày Tết không chỉ của vùng cao.

Nói thịt trâu sấy là món ngon ngày Tết chưa hẳn chính xác vì giờ đây món này được cả người miền núi, miền xuôi dùng quanh năm. Tuy nhiên, trước kia thì khác, không phải lúc nào đồng bào Tày ở Bảo Yên cũng có thể chế biến thịt trâu khô mà trong dịp Tết hay lễ cúng lớn, gia đình có mổ trâu thì người ta mới để lại một ít để làm món này.

Theo ông Hoàng Quang Đạt – Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, sở dĩ thịt trâu sấy Bảo Yên thơm ngon đặc trưng và vượt trội so với địa phương khác bởi bản thân những chú trâu của Bảo Yên cũng rất đặc biệt. Từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, Bộ Nông nghiệp thực hiện chương trình hợp tác với Ấn Độ xây dựng nông trường trâu Bảo Yên, lai tạo giống trâu Mura với giống trâu địa phương, đã tạo ra vùng trâu giống tốt nhất khu vực miền núi phía Bắc.

Đến nay, huyện Bảo Yên luôn được xác định là vùng trâu giống quốc gia. Trâu Bảo Yên có vóc dáng lớn, ngực nở, vai rộng, cổ to, sừng dài, gốc sừng to, da bóng, lông mọc đều, trơn mượt, lưng dài, phẳng, mông tròn rộng…, trọng lượng cơ thể đối với con đực đạt từ 450-550 kg, con cái từ 400-450 kg, nhiều con đạt 500 kg.

Theo các chuyên gia, trâu Bảo Yên có sức đề kháng cực tốt, hầu như không bị mắc các bệnh truyền nhiễm như lở mồm, long móng… Do đó, không phải ngẫu nhiên mà các món ăn được chế biến từ thịt trâu tại địa phương này luôn ngon và an toàn hơn nơi khác.

Cứ mỗi dịp Tết đến, gia đình ông Hoàng Văn Sử, dân tộc Tày Vĩnh Yên, Bảo Yên (còn gọi là A Sử) – người có thâm niên làm thịt trâu sấy gần 20 năm – lại tất bật với hàng chục đơn hàng mỗi ngày gửi đi các địa phương trên cả nước.

Ông cho biết, từ khi món ăn này được cấp thương hiệu thì gia đình luôn trong tình trạng cháy hàng, đặc biệt vào cuối năm. Nói về bí quyết cho “ra lò” món thịt trâu sấy ngon, ông Sử chia sẻ: “Thịt để sấy khô phải là thịt đùi sau của trâu đực, từ 5 tuổi trở lên, trung bình mỗi một tạ thịt trâu được khoảng 30 kg thịt để sấy.

Chúng tôi thường lựa ở bắp, ít gân, thớ thịt đều, đẹp. Thịt trâu lọc bỏ gân, thái miếng dài khoảng 15cm, rộng 7 – 8 cm, dầy khoảng 2 – 3 cm, rồi đem ướp gia vị”.

Gia vị để ướp thịt trâu khá phức tạp, gồm nhiều thứ: ngoài muối, đường, mỳ chính, còn có ớt hiểm, hạt dổi, tỏi, gừng, mắc khén (loại gia vị chỉ có ở vùng núi). Vào cuối hè, loại quả mọc trên ngọn cây cao này được bà con hái về phơi khô. Quả được nướng trên than hồng cho đến khi dậy mùi hương thì đem giã nhỏ cùng với các gia vị khác rồi ướp với thịt trâu chừng 3 giờ.

Sau đó, dùng que xiên thịt rồi đem sấy trên gác bếp đều than từ năm hôm đến một tuần mới đảm bảo vị ngon. Khi thưởng thức có thể đem nướng trên than hồng hoặc hấp qua hơi cách thủy, vắt thêm múi chanh tươi cho thịt mềm, chấm với tương ớt. Các gia vị đặc biệt sau bao nhiêu ngày thậm chí còn thấy nguyên trên từng thanh thịt.

Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng, nhất là độ ngọt của thớ thịt. Khi ăn người ta xé nhỏ dọc theo thớ, có thể ăn ngay hoặc được coi là món nhậu chính uống cùng rượu ngô. Món này được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản nhưng vẫn để dự trữ được khoảng 1 tháng.

Khi thưởng thức, thực khách sẽ bị đắm chìm trong hương mắc khén man dại, trong vị cay xé của ớt rừng, trong mùi khói bếp thân quen, trong cái ấm nồng của than hoa như còn lẩn quấn trong từng thớ thịt trâu… Chẳng thể tìm được cảm giác ấy ở đâu khác ngoài món trâu khô của đồng bào Tày vùng đất Bảo Yên.

Đồng bào Tày thường dùng món này để làm quà biếu hay đãi khách quý dịp lễ tết. Tết đến, ngồi bên bếp lửa nhà sàn, thưởng thức món thịt trâu khô, nhâm nhi ly rượu, cảm nhận vị ngọt cay của thịt, vị nồng của rượu quện hòa, hơi ấm lan tỏa từ nơi đầu lưỡi, từ trong người, ai cũng dường như quên đi cái buốt lạnh của mùa đông vùng cao.

Hiện nay, “Thịt trâu sấy Bảo Yên” đã trở thành món ẩm thực nức tiếng gần xa bởi chất lượng thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không chất phụ gia bảo quản; cách chế biến theo phương thức thủ công truyền thống, rất cầu kỳ, gia vị độc đáo, mang đậm bản sắc của vùng đất Bảo Yên với giá bán từ 900.000đ đến 1,1 triệu đồng/kg.

“Đắt xắt ra miếng, quả thực khi đã được thưởng thức món thịt trâu sấy chuẩn của Bảo Yên thì không thể quên được mùi vị đặc trưng thơm nồng của nó”, ông Nguyễn Anh Sơn, du khách đến từ Hải Phòng lặn lội về tận nhà anh Sử mua sản phẩm chia sẻ.

Theo ông Hoàng Quang Đạt, sản phẩm “Thịt trâu sấy Bảo Yên” được bảo hộ nhãn hiệu sẽ mở ra cho người dân Bảo Yên triển vọng mới trong sản xuất và phát triển làng nghề truyền thống, phục vụ hoạt động du lịch của địa phương.

81 / 100 SEO Score

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *