Thịt trâu gác bếp là món ngon được người dân tộc vùng cao làm để ăn quanh năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Những ngày giáp Tết, đến thăm gia đình nào ở Tây Bắc chúng ta cũng có thể thấy lủng liểng trên bếp những miếng thịt hun khói ngon lành.
Đến thăm Tây Bắc những ngày đầu xuân này, điều mà các du khách mang về không chỉ là những bức ảnh đẹp thơ mộng với thiên nhiên vùng núi mà còn là những thứ quà miền sơn cước tuyệt vời khác.
Một trong những món quà được du khách ưa chuộng nhất và cũng là đặc sản của vùng đất này đó là thịt trâu gác bếp. Thịt gác bếp là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái. Món thịt này thường được làm từ phần thịt nạc những con trâu, bò hoặc lợn nhà nuôi thả rông trên các núi đồi Tây Bắc.
Khi làm người ta lọc các thớ thịt ra thành từng miếng, miếng thịt to bằng bàn tay, không còn dính một chút mỡ hay gân, thái dọc thớ để miếng thịt dễ được sấy chín, khi ăn dễ xé như xé mực.
Sau khi thái từng miếng đều nhau người ta tẩm ướp gia vị, đây là một khâu quan trọng trong quá trình làm thịt gác bếp. Các loại gia vị phải đầy đủ và cân đối để đảm bảo miếng thịt khô vừa có vị đậm đà vừa hợp khẩu vị của nhiều người.
Có nhiều loại gia vị được sử dụng như tỏi, gừng, muối, đường và không thể thiếu đó là mắc khén hay còn gọi là hạt tiêu rừng. Sau khi gia vị được tẩm ướp đầy đủ thì xâu từng miếng thịt vào thanh tre được vót nhọn và nhẵn nhụi, khoảng cách giữa 2 miếng thịt là từ 5-10cm, tùy miếng to hay nhỏ để đảm bảo khi hun khói len được vào toàn bộ miếng thịt, sau đó lần lượt từng dây thịt xiên được gác lên bếp củi cháy. Khi gác cần chỉnh lại khoảng cách của các miếng thịt và của các xâu thịt cho hợp lý. Yếu tố quyết định thịt gác bếp ngon hay không chính là khói bếp. Tùy từng thời điểm mà có sự điều chỉnh bếp lửa nhằm đảm bảo miếng thịt chín trong khói mà bên trong vẫn có màu hồng đẹp mắt.
Không phải loại củi nào cũng có thể được dùng để hun thịt, củi được chọn là củi cây được những loại gỗ cháy có mùi thơm là tốt nhất. Theo người dân nơi đây thì không nên dùng củi tre sấy thịt vì nhiều khói, gác bếp suốt 3 ngày 3 đêm khối thịt sẽ ám khói đen và khô lại thấm hết mọi gia vị vào trong, trên bề mặt vẫn còn những hạt tiêu rừng, miếng ớt, miếng gừng, khi ăn sẽ rất hấp dẫn.
Cách làm chỉ đơn giản như thế nhưng thịt gác bếp là món đặc sản của nhiều tộc người ở vùng Tây Bắc. Thịt lợn hun khói đã ngon, thịt bò hay thịt trâu hun khói còn ngon hơn nhiều.
Những miếng thịt hun khói thành phẩm bên ngoài có màu nâu đen vì ám khói, nhưng khi xé ra lại có màu đỏ tươi. Có thể xé dễ dàng như xé mực khô, nhưng khi ăn lại có vị ngọt, cay, bùi của thịt khô và đặc biệt có mùi thơm đặc trưng rất ấm áp của khói bếp. Một miếng thịt nạc tươi to bằng bàn tay nhưng sau 3 ngày 3 đêm sấy trên khói, miếng thịt khô lại chỉ còn bằng hai ngón tay. Khoảng 3kg thịt tươi chỉ làm được 1kg thịt khô, vì vậy giá bán 600 nghìn đồng/kg khô thịt lợn và 900 nghìn đồng/kg khô thịt trâu là hoàn toàn hợp lý.
Vì là món thịt được làm chín tự nhiên bằng khói bếp nên thịt hun khói có thể để được rất lâu trên giàn bếp, ăn tới đâu đồ chín tới đó và xé nhỏ ra. Khói ám lâu ngày làm cho thịt có mùi vị đặc biệt nhưng không khó chịu vì hôi khói. Các gia vị đặc biệt sau bao nhiêu ngày vẫn còn thấy nguyên trên từng thanh thịt, miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng, nhất là độ ngọt của thớ thịt, khi ăn người ta xé nhỏ dọc theo thớ, có thể ăn ngay hoặc được coi là món nhậu chín uống cùng rượu, món này được chế biến tự nhiên không có chất bảo quản nhưng vẫn dự trữ được 1 tháng.
Còn với du khách khi mua thịt gác bếp về nhà tốt nhất nên để vào ngăn đá của tủ lạnh, như vậy sản phẩm sẽ được bảo quản lâu hơn từ 6-8 tháng mà khi ăn vẫn giữ được nguyên vị, đảm bảo chất lượng như ban đầu.
Trước khi ăn thịt gác bếp nên làm nóng bằng lò vì sóng hoặc nồi hấp cách thủy cho có độ ẩm và mềm thịt, sau đó đập dập xé từng miếng nhỏ dọc theo thớ. Khi ăn chấm với chẩm chéo hoặc tương ớt.
Món thịt gác bếp của người Tây Bắc làm người ta liên tưởng đến một món ăn rất hiện đại của người Phương Tây là món thịt lợn hun khói. Tuy nhiên để chế biến thành công thịt lợn gác bếp thì cần sự kỹ lưỡng và những kinh nghiệm mà chỉ có đồng bào ở Tây Bắc mới biết.
Từ miếng thịt lợn, thịt trâu với cách chế biến tinh tế độc đáo, dẫu là thực khách kén ăn cũng dễ dàng bị chinh phục để rồi không khỏi lưu luyến nhớ nhung về ẩm thực riêng có của người Thái Tây Bắc.
MĂNG CỤT LÁI THIÊU | 1 Kg
BÒ MỘT NẮNG KRONGPA | 500g
MẮM CÁY HỒNG TIẾN THÁI BÌNH | 750ml
TƯƠNG ỚT MƯỜNG KHƯƠNG | 250ml
NƯỚC MẮM RƯƠI TRÀ VINH | 500ml
KHÔ BÒ MIẾNG CAO CẤP | 500g
THỊT TRÂU GÁC BẾP | 500g
THỊT BÒ KHÔ THƯỢNG HẠNG | 500g